Chuyên ngành Máy và Tự động hóa xếp dỡ

Thông tin chung

Tên ngành: Kỹ thuật cơ khí (Mechanical Engineering)

Mã ngành: 52520103 (theo hệ thống mã ngành quốc gia)

Tên chuyên ngành: Máy và tự động hóa xếp dỡ (Material Handling Machineries and Automation)

Trình độ đào tạo: Đại học chính quy

Thời gian đào tạo: 4 năm 

Đơn vị phụ trách: Viện Cơ khí, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam

Thông tin liên hệ:

Phòng 710 nhà A6 khu hiệu bộ, 484 Lạch Tray, Hải  Phòng

Điện thoại 031.3829245

Website: www.sme.vimaru.edu.vn

Facebook: viencokhi.hanghaivietnam

Email: viencokhi@vimaru.edu.vn

1. Giới thiệu chung về nhóm ngành Kỹ thuật cơ khí

Kỹ thuật cơ khí bao trùm một lĩnh vực rộng lớn, ứng dụng các nguyên lý cơ bản về toán học, vật lý, nguyên lý nhiệt động lực học, định luật bảo toàn khối lượng, năng lượng để phân tích các hệ vật lý tĩnh và động, tạo ra các loại máy móc, thiết bị, các vật dụng hữu ích. Sản phẩm của Kỹ thuật cơ khí được ứng dụng trong mọi lĩnh vực như ô tô, tàu thủy, máy bay, các hệ thống gia nhiệt, làm lạnh, đồ dùng gia đình, v.v. Có thể nói Kỹ thuật cơ khí len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, mang lại những tiện nghi tốt nhất cho con người trong cuộc sống hiện đại.

Ngành Kỹ thuật cơ khí trang bị cho người học kiến thức nền tảng tập trung trong một số lĩnh vực như cơ học chất rắn và vật liệu (solid mechanics and materials), cơ học chất lỏng (fluid mechanics), động lực học và điều khiển (dynamics and control), nhiệt-năng lượng và truyền nhiệt (thermodynamics-energy). Xem trọng nền tảng kiến thức cơ bản, ngành Kỹ thuật cơ khí trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên hướng tới vị trí việc làm tương lai của họ, giúp họ phát triển và nuôi dưỡng sự sáng tạo thông qua việc tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm gắn liền với cuộc sống và gắn liền với quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp.

Ngoài phần kiến thức nền tảng được học chung (khoảng 75%), tại Viện Cơ khí sinh viên có thể lựa chọn theo 05 định hướng chuyên ngành sau:

1. Kỹ thuật ô tô (Automotive Engineering);

2. Kỹ thuật nhiệt lạnh (Heat and Refrigeration Engineering);

3. Máy và tự động hóa xếp dỡ (Material Handling Machineries and Automation);

4. Kỹ thuật cơ khí (Design and Manufacturing Engineering);

5. Cơ điện tử (Mechatronics Engineering).

Các chương trình đào tạo được thiết kế để tích hợp giáo dục kiến thức (knowledge) với rèn luyện kỹ năng (skills), giúp sinh viên cơ khí sau khi tốt nghiệp có thể dễ dàng hòa nhập với môi trường sản xuất hiện đại, hội nhập trong giai đoạn hiện nay.

Cơ hội việc làm và thu nhập 

Cơ khí là ngành luôn khát nguồn nhân lực và có thu nhập thuộc nhóm cao. Các thống kê trên thế giới đều chỉ ra khả năng thu nhập cao đối với nhóm ngành này. Theo một nghiên cứu vào năm 2014, thu nhập trung bình năm của kỹ sư cơ khí là 83.060USD, 10% trong số đó có mức thu nhập dưới 53.210USD/năm, 10% có thu nhập cao hơn 126.430USD/năm. Cũng theo nghiên cứu này, một số lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật có mức thu nhập cao bao gồm (theo website www.collegegrad.com):

- Nghiên cứu và phát  triển trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật, khoa học phục vụ đời sồng (thu nhập 94.640USD/năm);

- Sản xuất sản phẩm và linh kiện trong lĩnh vực hàng không (89.600USD/năm);

- Sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính (87.600USD/năm);

- Dịch vụ kỹ thuật (engineering services) (84.580USD/năm);

- Sản xuất máy móc (76.190USD/năm).

Ở Việt Nam, kỹ sư cơ khí cũng là từ khóa thuộc hàng "hot" trên các trang giới thiệu việc làm. Nếu tìm kiếm với từ khóa "Cơ khí" trên trang www.vietnamworks.com, bạn sẽ nhận được khoảng 600 việc làm. Còn nếu thêm điều kiện lọc với mức lương 500-1000USD, thì cũng cho kết quả khoảng 350 vị trí việc làm. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố Hải Phòng (trên 3 tỷ USD trong năm 2016), nhu cầu về nguồn nhân lực cơ khí trong khu vực ngày càng tăng. 

2. Chuyên ngành Máy và tự động hóa xếp dỡ

Máy xếp dỡ bản thân nó là sự tích hợp của các hệ thống cơ cấu cơ khí-thủy lực, kết hợp điện-điện tử-tự động hóa. Vì thế, chương trình đào tạo (CTĐT) Máy và tự động hóa xếp dỡ cung cấp cho người học kiến thức tổng hợp về cơ khí, thủy lực và điều khiển để họ có đủ năng lực thiết kế, chế tạo, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải, kiểm tra, giám định và khai thác máy nâng chuyển nói riêng và các lĩnh vực cơ khí liên quan nói chung. Ngoài ra, CTĐT còn trang bị kiến thức hiện đại của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Hệ thống cảng thông minh là ví dụ tiêu biểu. Ở đó, hệ thống trang thiết bị được kết nối với mạng thông minh, hệ thống định vị toàn cấu GPS, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tận dụng tối đa nănng lực thiết bị, tăng năng suất hàng hóa thông qua.

Ngoài kiến thức lý thuyết, CTĐT cung cấp kiến thức thực tế đa dạng và kỹ năng nghề nghiệp để có thể dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc trong giai đoạn hội nhập của nền kinh tế đất nước. Kiến thức, kỹ năng được tích lũy trong quá trình đào tạo dựa trên quan điểm giáo dục đại học của Thế kỷ 21 với bốn (04) trụ cột là: Học để biết (Learning to know); Học để làm (Learning to do); Học để trưởng thành (Learning to be); Học để chung sống (Learning to live together) (UNESCO).

3. Tại sao chọn chuyên ngành/chương trình đào tạo

CTĐT Máy và tự động hóa xếp dỡ được xây dựng theo Bộ tiêu chuẩn quốc tế CDIO. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp có khả năng hình thành ý tưởng (Conceive), thiết kế (Design), triển khai (Implement), vận hành (Operate) các sản phẩm, quy trình và hệ thống cơ khí phức tạp trong một môi trường hiện đại dựa trên nền tảng làm việc nhóm.

CTĐT theo chuẩn CDIO hướng tới hệ thống chuẩn đầu ra có thể đo đếm, định lượng được. Khác với trước đây, chuẩn đầu ra của CTĐT được tham vấn các bên liên quan khách quan như: Doanh nghiệp/Nhà tuyển dụng, Cựu sinh viên, Sinh viên tốt nghiệp. Đây là chương trình đào tạo tiến tiến, có chất lượng cao, thể hiện ở các mặt sau:

Nội dung chương trình tài liệu giảng dạy:

Tài liệu giảng dạy các môn học được tham khảo từ các nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc, trang bị cho sinh viên những khiến thức cơ bản và chuyên sâu, phù hợp với yêu cầu thực tế và có chuẩn đầu ra rõ ràng.

Nội dung các môn học tập trung vào việc nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên bằng cách thực hiện các báo cáo chuyên đề, bài tập lớn hoặc đồ án môn học. Qua đó giúp sinh viên rèn luyện khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình và các kỹ năng mềm khác, đáp ứng tối đa môi trường thực tế việc làm sau này.

Đội ngũ giảng viên:

Đội ngũ giảng dạy là giảng viên có trình độ cao, tốt nghiệp từ các trường đại học có uy tín ở trong và ngoài nước, trong đó nhiều giảng viên có kinh nghiệm, nhiều năm giảng dạy và kinh nghiệm thực tế sản xuất các vấn đề trong kỹ thuật cơ khí.

Phương pháp giảng dạy tiến tiến, hiện đại, thay việc truyền thụ kiến thức một chiều bằng việc hướng dẫn, phát huy năng lực, tính chủ động, sáng tạo, tự khám phá tri thức của người học, lấy người học làm trung tâm.

Mối quan hệ với doanh nghiệp:

Sinh viên, ngoài tham gia thực hành tại Trung tâm thực hành thí nghiệm cơ khí của Trường với nhiều trang thiết bị hiện đại, còn được tạo điều kiện để tham gia các chương trình tham quan, thực tập, kiến tập tại các xí nghiệp sản xuất. Với phương châm học thật để làm thật, Viện Cơ khí ký kết thỏa thuận đào tạo với các doanh nghiệp. Qua đó, tại kỳ thực tập tốt nghiệp, sinh viên trực tiếp ký kết hợp đồng với doanh nghiệp làm Trợ lý kỹ sư. Với sự ràng buộc pháp lý, Nhà trường, Doanh nghiệp và cá nhân sinh viên cùng tham gia vào quá trình đào tạo. Đây chính là yếu tố then chốt nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, điều này còn giúp sinh viên tiếp cận cơ hội việc làm và giúp cho doanh nghiệp có thể tuyển chọn được nguồn nhân lực phù hợp.

4. Lĩnh vực nghề nghiệp 

Một số lĩnh vực nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp có thể bao gồm:

Về hoạt động nghiệp vụ:

Sinh viên sau tốt nghiệp có thể công tác tại: các viện nghiên cứu và thiết kế về cơ khí, cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và nghề); cơ quan giám sát và kiểm tra, kiểm định kỹ thuật; cơ quan đăng kiểm; các cảng, xí nghiệp công nghiệp, trung tâm đầu mối giao thông, nhà máy đóng và sửa chữa tàu; các nhà máy cơ khí; các cơ quan quản lý trong lĩnh vực cơ khí, vận tải, các sở, phòng, ban khoa học-công nghệ. Các lĩnh vực kinh tế liên quan đến chuyên ngành được đào tạo trong phạm vi đa dạng như: trong và ngoài nước, dân sự và quốc phòng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Về hoạt động quản lý, xã hội:

Sinh viên sau tốt nghiệp có thể đảm đương các cương vị lãnh đạo tại các cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội với các công việc có thể đảm nhận:

- Tính toán, thiết kế, lắp đặt, vận hành, sửa chữa các hạng mục cơ khí và máy nâng chuyển.

- Thiết kế quy trình công nghệ cơ khí, quy trình công nghệ chế tạo và sửa chữa máy nâng chuyển.

- Tổ chức sản xuất và quản lý, điều hành, giám sát quá trình công nghệ.

- Thiết lập và xây dựng dự án kỹ thuật cơ khí nói chung và máy nâng vận chuyển nói riêng.

- Tư vấn kỹ thuật, thẩm định, đánh giá các dự án về cơ khí, trang thiết bị máy nâng chuyển cho cảng và các cơ sở sản xuất. Định biên trong các thiết chế tài chính như ngân hàng, tổ chức đầu tư tài chính, v.v.

- Có đủ kỹ năng để đảm nhận các công việc như cán bộ kỹ thuật ngành cơ khí, cán bộ quản lý trong các lĩnh vực vận tải (cảng biển, cảng sông, cảng hàng không), trong các nhà máy và cơ sở sản xuất công nghiệp (nhà máy sản xuất và chế biến, đóng tàu, khai khoáng, …).  

- Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển chuyên môn và năng lực quản lý, thực hành.

Một số doanh nghiệp tiêu biểu mà sinh viên đã thực tập hoặc làm việc:

Các cảng trên toàn lãnh thổ Việt Nam: Cảng Hải phòng (Hoàng Diệu, Lê Thánh Tông, Chùa Vẽ, Đoạn Xá, Tân Cảng, Green Port…), Cảng Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang,Vũng Tàu, Cần Thơ,…

Các công ty cơ khí nước ngoài và liên doanh: HANVICO, LG, SSE, JGC,…

Các công ty trong lĩnh vực vận tải, forwarding: Vandegrift, Ucm…

Công ty đóng tàu: Phà rừng, Bạch Đằng, Hạ Long, Sông Cấm, Hồng Hà, Hải Long, 189, Sông Thu, Dung Quất, Ba Son PTSC, LILAMA,...

Công ty đóng tàu ngoài nước: Hyundai Vinashin, VMF,…

Công ty thiết kế cơ khí: Cơ khí Quang Trung, Daikou, JFE, PTSC, VinaLift, …

Cơ quan kiểm định, giám sát: Đăng kiểm Việt Nam, các Chi cục đăng kiểm, DNV/GL Register, BV Register, NK,...

Các công ty cơ khí thuộc các khu công nghiệp: NOMURA, Đình Vũ, VSIP, Lai Vu, Tràng Duệ ....

Cơ quan quản lý: các Cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học Công nghệ; các Cơ quan thuộc Sở, Ban, Ngành của tỉnh, thành phố,...

Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Giao thông thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà nội, các Trường Cao Đằng và Trung học thuộc Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động & Thương binh – Xã hội,...

Tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng máy nâng chuyển, nên đều có nhu cầu nhân lực Kỹ sư Máy nâng chuyển.

5. Tôi có phù hợp

Người học ngành Kỹ thuật cơ khí, chuyên ngành Máy và tự động hóa xếp dỡ, để thành công, cần có sự đam mê về máy móc và các thiết bị cơ khí-tự động hóa, có khả năng lao động sáng tạo và khả năng làm việc nhóm. Ngoài ra, để có mức thu nhập cao hơn các nhóm ngành khác, kỹ sư cơ khí cần có sức khỏe tốt để có thể chịu được cường độ làm việc cao, và đôi khi điều kiện làm việc nặng nhọc như tiếng ồn, khói bụi, nhiệt độ cao (với mức độ tự động hóa cao như hiện nay, điều kiện làm việc đã được cải thiện nhiều).

Để đăng ký học ngành Kỹ thuật cơ khí, chuyên ngành Máy và tự động hóa xếp dỡ, thí sinh sẽ chọn đăng ký xét tuyển nhóm các môn thi theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như qui định của trường Đại học Hàng hải VN.

6. Học phí & hỗ trợ tài chính

Học phí theo học các chương trình đào tạo tại Viện Cơ khí theo mức qui định chung của Nhà trường và được thu theo học kỳ (khoảng 4.000.000VND/học kỳ). Ngoài ra, sinh viên có cơ hội nhận được học bổng từ nhiều nguồn như: học bổng khuyến khích học tập của Nhà trường (6% số lượng sinh viên), học bổng tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được miễn giảm học phí theo quy định và nhận được các chương trình học bổng vượt khó.

7. Mục tiêu đào tạo

- Mục tiêu chung của CTĐT là: Sinh viên kỹ thuật cơ khí có đủ năng lực áp dụng thành thạo kiến thức để hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành các sản phẩm, hệ thống trong lĩnh vực cơ khí, trong môi trường hiện đại, sáng tạo, lấy làm việc nhóm làm nền tảng.

Ngoài ra, kỹ sư Máy và tự động hóa xếp dỡ có đủ năng lực về:

Thiết kế cơ bản, thiết kế kỹ thuật và thi công hệ thống, thiết bị của máy nâng và vận chuyển cũng như  các lĩnh vực cơ khí khác.

Thiết kế quy trình công nghệ chế tạo, quy trình công nghệ lắp ráp, quy trình công nghệ sửa chữa máy nâng vận chuyển và các thiết bị cơ khí.

Xây dựng, quản lý và thực hiện các dự án chế tạo, lắp ráp, hoán cải, sửa chữa các hệ thống, thiết bị máy nâng chuyển và các lĩnh vực cơ khí khác.

Quản lý và khai thác các hệ thống, thiết bị máy nâng chuyển và các lĩnh vực cơ khí liên quan.

Nghiên cứu khoa học về các vấn đề thuộc lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, cơ khí máy nâng chuyển, cơ khí chế tạo.

Có kiến thức và kỹ năng xã hội phù hợp, có khả năng làm việc độc lập và theo nhóm, có khả năng giao tiếp tiếng Anh trong công việc, học tập và nghiên cứu.

8. Nội dung chương trình

Chương trình đào tạo gồm các khối kiến thức: 

Khối kiến thức giáo dục đại cương:

Khối kiến thức đại cương bao gồm các môn Lý luận chính trị, Toán ứng dụng, Vật lý ứng dụng, Hóa học kỹ thuật. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị những kiến thức chung về pháp luật, môi trường, văn hóa để có thể hòa nhập tốt với xã hội. Sinh viên cũng  được trang bị kiến thức ngoại ngữ (tiếng Anh) và tin học cơ bản để phục vụ việc học tập và công việc sau này.

Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp:

- Khối kiến thức nền tảng kỹ thuật cơ khí chiếm khối lượng chủ yếu và trang bị cho sinh viên nền tảng cơ bản của kỹ thuật cơ khí, bao gồm các mảng kiến thức như: cơ học chất rắn (solid mechanics), cơ học chất lưu (fluid mechanics), nhiệt động lực học và năng lượng (thermodynamics, energy), vật liệu (materials), nguyên lý và thiết kế cơ cấu cơ khí cơ bản (principle and basic mechanical design), điện-điện tử ứng dụng (applied electrics/electronics), điều khiển hệ thống (system control), thủy khí ứng dụng (applied hydraulics and pneumatics), công  nghệ chế tạo (manufacturing technology). Với nền tảng này hầu như sinh viên đã có đủ kiến thức để làm việc tại mọi cơ sở có liên quan đến kỹ thuật cơ khí. Một số môn học chủ yếu gồm: Hình họa, Vẽ kỹ thuật, Cơ lý thuyết/chất lỏng, Sức bền vật liệu, An toàn công nghiệp, Nguyên lý máy, Vật liệu kỹ thuật, Phương pháp tính, Kỹ thuật lập trình, Kỹ thuật điện/điện tử/điều khiển, Kỹ thuật nhiệt, Thiết kế máy (Chi tiết máy), Kỹ thuật/Công nghệ gia công cơ khí, Thủy lực và khí nén ứng dụng.

- Kiến thức chuyên ngành: 

Khối kiến thức chuyên ngành tập trung ở một số môn học như: Kết cấu thép máy nâng chuyển, Máy trục, Máy nâng tự hành, Máy vận chuyển liên tục, Công nghệ sửa chữa máy nâng chuyển, Truyền động thủy lực ứng dụng, Điều khiển và tự động hóa xếp dỡ.

Ngoài các học phần lý thuyết, thực hành, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng thông qua thực hiện các đồ án như thiết kế kết cấu thép, thiết kế máy trục/máy nâng tự hành/máy vận chuyển liên tục. Sau kỳ thực tập sản xuất và sau khi hoàn thành các học phần chuyên môn, đồ án tốt nghiệp sẽ giúp sinh viên tiếp cận giải quyết các nhiệm vụ từ thực tiễn.

Ngoại ngữ: Tiếng Anh TOEIC 450 quốc tế

Nhằm nâng cao năng lực hội nhập, toàn bộ sinh viên hệ đại học chính quy Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được áp dụng chuẩn TOEIC (Test of English for International Communication) quốc tế. Đây là chứng chỉ do Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ xây dựng và ủy quyền cho các đơn vị có uy tín tổ chức thi.

Tin học: MOS 5.0 trở lên

Nhằm tăng cường khả năng sử dụng tin học, Nhà trường cũng áp dụng chuẩn đầu ra theo hệ thống chứng chỉ MOS (Microsoft Office Specialist) do Hãng phần mềm Microsoft thiết kế.

9. Bằng cấp

Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư Kỹ thuật cơ khí, chuyên ngành Máy và tự động hóa xếp dỡ. Bằng được in song ngữ Việt/Anh, thuộc hệ thống văn bằng quốc gia.

Bạn đọc có thể xem thêm tin tức tuyển sinh, chương trình đào tạo, hình ảnh hoạt động và nhiều bài viết bổ ích ở các chuyên mục khác trên website này.

Liên kết Website