CDIO Chương trình đào tạo tích hợp - Rèn luyện kỹ năng để thành công

CDIO là gì?

CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. CDIO ban đầu được đề xướng bởi các khối ngành kỹ thuật thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, phối hợp với các trường đại học Thụy Điển. Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra (learning outcomes) để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Sau khi hình thành vào những năm 2000, CDIO trở thành một tiêu chuẩn được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng. Hiện tại, đã có 140 trường đại học trên thế giới là thành viên của tổ chức này, trong đó Việt Nam hiện có ba trường đã chính thức triển khai CDIO, đó là Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Duy Tân và Đại học Thủ Dầu Một (theo cdio.org).

Người kỹ sư theo quan điểm CDIO

Chương trình đào tạo (cirriculum) theo CDIO được xây dựng một cách hợp lý, logic và khoa học để có thể chuyển hóa kiến thức thành các kỹ năng vận dụng được trong thực tiễn. Sự khác biệt quan trọng khi xây dựng chương trình đào tạo theo CDIO là việc lựa chọn chuẩn đầu ra (CĐR) dựa trên sự tham gia của các bên liên quan (stakeholders), đặc biệt là các bên khách quan như sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, các cơ quan quản lý.

Sự tham gia của các bên liên quan khi xây dựng CĐR

Sự khách quan trong việc xây dựng CĐR là điều kiện cơ bản để có thể đảm bảo đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Công việc tiếp theo là xây dựng một chương trình đạo tạo với đầy đủ các hướng dẫn, công cụ nhằm đạt CĐR đã định nghĩa. Với cách tiếp cận khoa học, hiện đại, đề cương CDIO bao gồm bốn (4) phần và được xây dựng phù hợp với các trụ cột giáo dục theo UNESCO, đó là:

1. Kiến thức và lập luận ngành (Technical Knowledge and Reasoning) - Học để biết (Learning to know);

2. Kỹ năng chuyên môn và phẩm chất cá nhân (Personal and Professional Skills and Attributes) - Học để trưởng thành (Learning to be);

3. Kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp (Interpersonal Skills: Teamwork and Communication) - Học để chung sống (Learning to live together);

4. Hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành trong bối cảnh doanh nghiệp và xã hội (Conceiving, Designing, Implementing and Operating Systems in the Enterprise and Societal Context) - Học để làm (Learning to do).

Một trong những điểm nổi bật khi áp dụng CDIO là chương trình đào tạo tích hợp (integrated cirriculum). Theo website chính thức của tổ chức CDIO, tầm nhìn của CDIO hướng tới việc: Tích hợp các kỹ năng nghề nghiệp như làm việc nhóm và giao tiếp; Đề cao việc học tập tích cực và qua trải nghiệm; Liên tục cải tiến thông qua quy trình đảm bảo chất lượng với mục tiêu cao; Làm phong phú khóa học với các dự án do sinh viên tự thiết kế – xây dựng và kiểm thử. Có thể hiểu, cách tiếp cận CDIO hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn (gọi là năng lực C-D-I-O) và có ý thức trách nhiệm với xã hội.

Lợi ích khi áp dụng CDIO

Việc tiếp cận theo phương pháp CDIO sẽ đem lại các lợi ích sau:

– Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực;

– Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi;

– Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO sẽ giúp các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn. Các công đoạn của quá trình đào tạo sẽ có tính liên thông và gắn kết chặt chẽ;

– Cách tiếp cận CDIO là cách tiếp cận phát triển, gắn phát triển chương trình với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học lên một tầm cao mới.

Áp dụng CDIO tại Viện Cơ khí, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Trên con đường hội nhập để phát triển, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam luôn đi đầu trong trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo. Với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế khu vực Duyên hải Bắc bộ, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam xác định tầm nhìn đến năm 2020 nằm trong nhóm 10 trường đại học tốt nhất cả nước, đến năm 2030 sánh ngang các trường đại học trong khu vực. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu trên là xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Cụ thể, trong năm 2017, sẽ tiến hành triển khai áp dụng CDIO và xây dựng lại chương trình đào tạo theo chuẩn 4 năm, hội nhập quốc tế.

Với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia đến từ Đại học quốc gia TP.HCM (một trong ba trường của Việt Nam là thành viên của Tổ chức CDIO), Kỹ thuật cơ khí sẽ là một trong 4 ngành được chọn để xây dựng thí điểm. Chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO sẽ được áp dụng cho khóa 58. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu nhằm tạo ra bước đột phá nâng cao chất lượng đào tạo, giúp biến kiến thức thành kỹ năng vận dụng cho sinh viên, gắn con người, nghề nghiệp với bối cảnh xã hội, môi trường.

Liên kết Website