Nói về học, ông cha ta từ xưa có câu học và hành, học phải đi đôi với hành hay trăm nghe không bằng một thấy. Ngày nay, các nghiên cứu về năng lực nhận thức của con người cũng chỉ ra quan hệ mật thiết giữa thực hành và khả năng ghi nhớ (Nguồn: Học viện quản lý giáo dục).
Khả năng thu nhận tri thức |
Khả năng ghi nhớ |
||
Vị giác |
1% |
Nghe |
20% |
Xúc giác |
1,5% |
Nhìn |
30% |
Khứu giác |
3,5% |
Nghe và Nhìn |
50% |
Thính giác |
11% |
Tự trình bày |
80% |
Thị giác |
83% |
Tự trình bày và làm |
90% |
So với nhiều nước trong khu vực, giáo dục đại học nước ta theo hướng tiếp cận cũ, lạc hậu. Sinh viên chủ yếu chỉ NGHE mà không được LÀM. Điều này dẫn đến năng lực người học yếu kém, đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội. Thống kê cho thấy năng suất lao động của nước ta thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và châu Á: thấp hơn Indonesia 10 lần, Thái Lan gần 30 lần và Nhật Bản 135 lần.
Vậy là cần phải thay đổi và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang trở thành một yêu cầu khách quan, cấp bách trong giai đoạn hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay.
Dạy học tích cực
Đổi mới căn bản toàn diện trước hết cần đổi mới hình thức tổ chức dạy học. Chuyển dần hình thức dạy học từ NGHE, NHÌN sang TỰ TRÌNH BÀY và LÀM. Để đổi mới hình thức tổ chức dạy học trước hết cần:
- Xác định rõ công việc của giảng viên và học viên trong quá trình dạy học.
- Thực hiện hình thức tổ chức dạy học phù hợp theo nguyên tắc tăng cường tính thực hành, hoạt động tương tác, hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề, đánh giá chính xác, học tập thực địa...
- Áp dụng các hình thức tổ chức dạy học trong điều kiện cụ thể cho phép như: thảo luận nhóm, seminar, tạo điều kiện và không khí thuận lợi để học viên tranh luận với giảng viên với bạn và tự đánh giá cũng như đánh giá lẫn nhau;
- Áp dụng các mô hình khác nhau trong học tập như: mô hình học theo tình huống (problem-based learning), đưa học viên vào các tình huống giả định mà họ sẽ phải đương đầu; mô hình nghiên cứu trường hợp điển hình (khảo sát điểm - case study), trong đó nội dung học tập được phân tích và tiếp thu từ kết quả khảo sát một trường hợp cụ thể, giúp gắn kết nội dung chương trình dạy học với thế giới thực; mô hình học tập thực địa và tập sự (field-based training and internship), giúp sinh viên liên hệ trực tiếp kiến thức lý thuyết với thực tiễn.
Thực hiện quy trình giảng bài trên lớp để tích cực hóa hoạt động học tập của học viên thường bao gồm:
- Trắc nghiệm trước bài giảng (tiền trắc nghiệm);
- Giảng viên nêu vấn đề vào bài giảng;
- Chuyển giao nhiệm vụ cụ thể cho học viên;
- Hướng dẫn học viên thực hiện các hoạt động để tìm tòi tri thức mới;
- Hướng dẫn việc trao đổi, thảo luận các kết quả học tập (về những nhận xét, kết luận đã rút ra);
- Nếu có điều kiện, có thể tiến hành trắc nghiệm sau bài giảng (hậu trắc nghiệm);
- Mỗi bài giảng cần dành thời gian cho kết luận bài học, đánh giá cuối bài giảng và hướng dẫn học viên học tập nghiên cứu ở nhà.
Seminar – Phương pháp dạy học tích cực
Seminar có thể hiểu đơn giản là một hình thức học tập mà trong đó người học chủ động hoàn toàn, từ khâu chuẩn bị tài liệu, trình bày nội dung, đưa dẫn chứng, trao đổi , thảo luận với các thành viên khác và cuối cùng tự rút ra nội dung bài học hay vấn đề khoa học cũng như đề xuất các ý kiến để mở rộng nội dung.
* Vai trò của người thầy khi đó là:
- Tìm được các chủ đề phù hợp nội dung của bài giảng, có nguồn tư liệu đầy đủ;
- Cung cấp tài liệu hoặc hướng dẫn tìm tài liệu;
- Giải đáp thắc mắc của sinh viên trong khâu chuẩn bị;
- Lắng nghe và bổ sung hoặc sửa chữa các chỗ thiếu sót của người học;
- Tổng kết vấn đề.
Nếu sinh viên chưa quen thì trong những lần đầu tiên thì giảng viên có thể điều hành việc trao đổi thảo luận.
* Thời gian: thông thường không nên quá hai tiết học cho một chủ đề.
* Nội dung các chủ đề:
- Các chủ đề không cần phải là mới hoàn toàn mà chỉ cần mới với người học và có nội dung gắn liền với cuộc sống và công việc của ngưòi học sau này.
* Ưu điểm:
- Người học đỡ ngủ gật trong giờ;
- Rèn luyện kĩ năng nói và tranh luận, kỹ năng làm việc nhóm;
- Làm quen với cách làm việc độc lập.
* Nhược điểm:
- Khá tốn thời gian;
- Thường không hoặc ít có trong phân phối chương trình ở hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam nên chả biết đặt vào đâu, lúc nào;
- Đòi hỏi người học phải tích cực, chủ động, tự nghiên cứu trước (đây là điểm yếu lớn nhất do sức ỳ từ phương pháp tiếp cận cũ);
- Đòi hỏi nguồn tư liệu phong phú.
Trong quá trình học bình thường, bạn có thể không có được những kỹ năng như tìm kiếm tài liệu, đọc & tổng hợp tài liệu, trình bày những gì cần trình bày (làm silde, nói như thế nào) về một chủ đề nào đó.
Vậy khi làm seminar, bạn phải:
- Tìm tài liệu và đánh giá tài liệu có thể dùng được hay không;
- Đọc tài liệu lấy kiến thức;
- Tổng hợp các kiến thức đã đọc;
- Viết tài liệu dạng báo cáo;
- Trình bày kiến thức trong một thời gian nhất định (thường khoảng 10-15 phút) để mọi người có thể hiểu.
Kết luận
Rõ ràng rằng việc chuyển từ hình thức dạy học kiểu TÔI NGHE – TÔI QUÊN sang TÔI LÀM – TÔI HIỂU là tất yếu để đổi mới giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục chuyên nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng. Sẽ không thể yêu cầu hay kỳ vọng một kỹ sư khai thác máy tàu biển sau khi tốt nghiệp đại học có thể khai thác tốt hệ động lực tàu biển khi mà kể từ khi nhập trường cho đến khi tốt nghiệp họ hầu như chỉ NGHE mà chưa hề được NHÌN thấy một hệ động lực tàu biển thực thụ.
Việc chuyển dần từ NGHE-QUÊN sang LÀM-HIỂU, trước hết phải bắt đầu từ những người THẦY – những giảng viên trực tiếp đứng lớp. Tuy nhiên, với chỉ riêng họ thì chưa đủ, mà cần có sự đổi mới tiếp cận của hệ thống quản lý, có sự liên kết giữa nhà trường và xã hội, để sinh viên có nhiều thứ hơn nữa để NHÌN và LÀM.
LVĐ