Giới thiệu về Cao học Quản lý sản xuất Công nghiệp

Viện Cơ khí chính thức mở đào tạo trình độ thạc sỹ chuyên ngành Quản lý sản xuất công nghiệp theo định hướng ứng dụng và đã tuyển sinh đợt đầu vào Tháng 10/2021

Tổng quan về chương trình

Tên chương trình: Quản lý sản xuất công nghiệp (Industrial Manufacturing Management)

Khối lượng chương trình: 60 tín chỉ (2 năm)

Thời gian học tập: Vào các ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, lịch học sắp xếp linh động

Học phí: 8 triệu/học kỳ, 4 học kỳ

Tại sao cần Quản lý sản xuất công nghiệp

Nguồn nhân lực trong sản xuất công nghiệp ở Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ 2 lĩnh vực đào tạo là Kỹ thuật-Công nghệ và Kinh tế-Quản trị. Sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật-công nghệ đang đang nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất hiện đại, và hầu như có thể làm chủ về kỹ thuật những công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại nhất.

Sẽ không có nhiều vấn đề cho đến sau một vài năm, khi mà những kỹ sư này gánh vác thêm những nhiệm vụ của các tổ trưởng chuyên môn, quản đốc phân xưởng. Sự thiếu hiểu biết về kỹ thuật quản lý vận hành những hệ thống ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại của thời đại Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ là cản trở lớn. Trong khi, sinh viên tốt nghiệp khối kinh tế-quản trị thì không có kiến thức về kỹ thuật, và không thể là tổ trưởng sản xuất hay quản đốc phân xưởng.

Vấn đề này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nước có nền sản xuất tiên tiến đã sớm nhận ra và tích hợp vào các chương trình đào tạo kỹ thuật nhiều nhiều kiến thức về quản lý sản xuất. Chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản lý sản xuất công nghiệp hướng tới điền đầy khoảng trống về kiến thức và kỹ năng cần thiết cho những ENGINEERS-MANAGERS tương lai.

Nước ngoài và Việt Nam

Ở các nước có nền sản xuất phát triển, những vấn đề về quản lý sản xuất đã xuất hiện từ khi các dây chuyền sản xuất hàng loạt ra đời, ví dụ tiêu biểu là các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô vào đầu Thế kỷ XX. Đây cũng chính là khởi đầu thời kỳ CMCN 2.0. Các ngành đào tạo về kỹ thuật sản xuất (Industrial Engineering) và quản lý sản xuất (Industrial Management) đã hình thành và phát triển từ khi đó.

Ở Việt Nam, với nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, Kỹ thuật sản xuất không được biết đến cho đến khi có sự du nhập mạnh mẽ của khối doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – Foreign Direct Investment) từ đầu những năm 2000. Dẫn đầu xu hướng đào tạo kỹ thuật và quản lý sản xuất là các trường đại học ở phía Nam như Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM, Đại học Bách khoa TP HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành. Gần đây, một số trường đại học ở phía Bắc cũng bắt đầu mở các ngành đào tạo liên quan đến kỹ thuật, quản lý sản xuất như Đại học Điện lực, Đại học Công nghiệp HN, Đại học Công nghiệp dệt may HN.

Quản lý sản xuất công nghiệp  - Đầu tiên tại Hải Phòng

Hải Phòng hiện là thành phố năng động và có tốc độ phát triển công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu toàn quốc với hàng chục tỷ đô la nguồn vốn đầu tư FDI. Các khu công nghiệp như Tràng Duệ, An Dương, Nomura, Đình Vũ, VSIP thu hút hàng chục nghìn lao động trong các dây chuyền lắp ráp, chế biến-chế tạo hiện đại. Cung cấp nguồn lao động kỹ thuật chủ yếu cho những doanh nghiệp ở Hải Phòng là sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật tại Đại học Hàng hải VN và một số ít từ các trường khác.

Nắm bắt nhu cầu từ thị trường lao động, trên cơ sở phản hồi từ doanh nghiệp và cựu sinh viên, Viện Cơ khí cung cấp chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản lý sản xuất công nghiệp nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng về quản lý, vận  hành các dây chuyển sản xuất hiện đại – điền đầy khoảng trống giữa ENGINEER và MANAGER.

Quản lý sản xuất công nghiệp dành cho ai

Industrial Manufacturing Management hướng tới một số vị trí việc làm trong các dây chuyền sản xuất hiện đại như:

  • Cán bộ kỹ thuật, giảng viên, nghiên cứu viên trong lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp và quản lý sản xuất;
  • Kỹ thuật viên chính lập kế hoạch sản xuất (Production Planning);
  • Trưởng nhóm quản lý, vận hành dây chuyền sản xuất (Production);
  • Trưởng nhóm sản xuất (Manufacturing);
  • Trưởng nhóm quản lý chất lượng (Quality Control);
  • Kỹ thuật viên chính nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D);
  • Quản đốc phân xưởng, giám đốc sản xuất trong các dây chuyền sản xuất hiện đại.

Quản lý sản xuất công nghiệp cũng trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người tốt nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng lao động toàn cầu cho các tập đoàn lớn như Apple, SamSung, LG, VinGroup. Chương trình đào tạo, vì vậy phù hợp với hầu hết những sinh viên, kỹ sư tốt nghiệp các ngành kỹ thuật-công nghệ như Cơ khí, Cơ điện tử, Điện-Điện tử-Tự động hóa, Nhiệt-Năng lượng, Công nghệ ô tô, tàu thủy, v.v. Đối tượng có thể là sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật tại Đại học Hàng hải Việt Nam hoặc các trường đại học kỹ thuật khác trong và ngoài nước.

Quản lý sản xuất công nghiệp học gì

Hướng tới những kiến thức, kỹ năng còn thiếu trong các chương trình đào tạo đại học khối kỹ thuật, Quản lý sản xuất công nghiệp bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng trong một số mặt sau:

- Quản lý hệ thống kỹ thuật (Engineering Management)

- Quản lý dự án công nghiệp (Industrial Project Management )

- Đánh giá kinh tế hệ thống công nghiệp (Economic Evaluation of Industrial Systems)

- Quản lý chất lượng (Quality Management)

- Quản trị nguồn nhân lực (Human Resource Management)

- Kỹ năng lãnh đạo (Leadership)

- Logistics và chuỗi cung ứng (Logistics and  Supply Chain Management)

- Ứng dụng máy tính trong sản xuất (Computer-Aided Manufacturing )

- Hệ thống sản xuất linh hoạt (Flexible Manufacturing Systems)

- Thiết kế và phát triển sản phẩm (Product Design & Development )

- Hệ thống thông tin tích hợp (Integrated Industrial Information Systems)

- Quản lý sản xuất (Production Management)

- Thiết kế và cấu trúc nhà máy và thiết bị công nghiệp (Design and Construction on Industrial Plants and Related Facilities)

- Quản lý kỹ thuật và bảo trì công nghiệp (Technical Management and Industrial Maintenance)

- Hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing Systems)

- Sản xuất thông minh (Intelligent Manufacturing)

- Hệ thống sản xuất tích hợp (Computer Integrated Manufacturing)

- Kỹ thuật quản lý Six Sigma (Six Sigma Quality Engineering)

- Robot và lập trình tự động hóa (Robotics and Programmable Automation)

- Tự động hóa và điều khiển các quá trình công nghiệp (Advanced Automation and Control of Industrial Processes)

- Kỹ thuật hệ thống nhiệt và thủy khí (Engineering of Thermal and Fluids Systems)

- Kỹ thuật vận tải và xếp dỡ vật liệu (Transportation and Materials Handling Engineering)

- Thực tập sản xuất: Nhằm rèn kỹ năng và vận dụng kiến thức vào thực tế, người học còn tham gia chương trình thực tập sản xuất tại doanh nghiệp (khoảng 6-8 tuần).

Thông tin chi tiết về việc đăng ký ôn tập và lịch thi xem tại đây: http://sdh.vimaru.edu.vn/tuyen-sinh

 

Liên kết Website