Từ năm học 2021-2022, Viện Cơ khí mở đào tạo thêm 01 định hướng chuyên môn về tổ chức vận hành và tối ưu hóa các hệ thống sản xuất công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực sản xuất trong thời đại số hóa hiện nay. Thông tin về chương trình như sau:
Kỹ thuật công nghiệp (Industrial Engineering) là gì?
Kỹ thuật công nghiệp liên quan đến việc phát triển, cải tiến, vận hành và đánh giá các hệ thống sản xuất. Theo đó, các hệ thống sản xuất được thiết kế và vận hành nhằm đảm bảo tối ưu hóa tích hợp nhiều yếu tố như nguồn nhân lực (people), tiền tệ (money), tri thức (knowledge), thông tin (information), máy móc (equipment), năng lượng (energy) và nguyên liệu (materials). Kỹ thuật công nghiệp ứng dụng các kiến thức toán học, vật lý, khoa học xã hội kết hợp với các nguyên lý phân tích, thiết kế kỹ thuật để thiết kế các hệ thống sản xuất, phân tích, dự đoán và đánh giá chúng nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Kỹ thuật công nghiệp là sự kết hợp các lĩnh vực Toán học (Mathematics, Tính toán (Computing), Kỹ thuật (Engineering) và Khoa học xã hội (Social Sciences). Nói cách khác, kỹ sư kỹ thuật công nghiệp tích hợp các yếu tố là con người, vật liệu và máy móc nhằm tạo ra các tổ chức mới mẻ, hiệu quả. Ngoài lĩnh vực sản xuất, các kỹ sư kỹ thuật công nghiệp còn có thể phát huy vai trò tư vấn trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ như bệnh viện, giải trí, thương mại điện tử, chính phủ, tài chính, thực phẩm, dược phẩm, thể thao, bảo hiểm, bán hành, ngân hàng, du lịch, hay giao thông.
Mặc dù ban đầu Kỹ thuật công nghiệp được phát triển trong lĩnh vực chế tạo (Manufacturing), nhưng sau này thuật ngữ "Industrial" được hiểu theo nghĩa rộng. Nghĩa là, Industrial Engineering được phát triển ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ khác nhau. Trên thế giới, hiện phổ biến một số biến thể của Industrial Engineering, đó là: Industrial and Manufacturing Engineering (Kỹ thuật sản xuất và công nghiệp); Industrial and Systems Engineering (Kỹ thuật hệ thống và công nghiệp); Industrial Engineering & Operation Research (Kỹ thuật công nghiệp và vận trù); Industrial Engineering & Management (Kỹ thuật công nghiệp và quản lý).
Ngành kỹ thuật công nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam
Industrial Engineering ra đời do nhu cầu tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất trong các ngành sản xuất công nghiệp. Nhu cầu này bắt đầu trở nên cấp thiết vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp làn thứ nhất (cuối Thế kỷ 19) với sự xuất hiện của các nhà máy cùng các dây chuyền sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, ngành Kỹ thuật công nghiệp chỉ thực sự phát triển từ những năm 1970 với sự xuất hiện của các hệ thống hỗ trợ ra quyết định (Decision Supports Systems) như công cụ MRP (Material Requirement Planning) ở Phương Tây. Ở Nhật Bản, thời gian này cũng phát triển các lý thuyết quản trị như Kaizen và Kaiban. Những công cụ này đã đưa nền sản xuất Nhật Bản lên một tầm cao mới ở các khía cạnh như chất lượng sản phẩm, thời gian đáp ứng và tính linh hoạt.
Vào những năm 1990, cùng với quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, những vấn đề mới như thiết kế sản xuất hướng tới khách hàng (customer-oriented business process design) và quản trị chuỗi cung ứng (supply-chain management) được bổ sung nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng và hạ giá thành sản phẩm.
Ở Việt Nam, do là đất nước nông nghiệp với nền sản xuất chậm phát triển, Kỹ thuật công nghiệp vẫn là khái niệm khá xa lạ. Những năm gần đây, xu hướng toàn cầu hóa kéo theo sự du nhập ồ ạt của khối các doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Investment) đã mang theo nhu cầu về quản trị tối ưu các nhà máy, dây chuyền sản xuất hiện đại. Nắm bắt xu thế đó, một số trường đại học ở Việt Nam có những ngành gần với Kỹ thuật công nghiệp bắt đầu mở một số chương trình đào tạo gần hoặc có liên quan với Industrial Engineering. Các cơ sở đào tạo ở phía Nam cũng cho thấy khả năng thích ứng nhanh hơn với xu hướng toàn cầu hóa trong đào tạo. Nhóm các ngành này được chia thành hai khối: Kỹ thuật và Quản lý. Trong khi, các cơ sở đào tạo kỹ thuật xây dựng chương trình đào tạo dựa trên nền tảng kỹ thuật cơ khí, thì các cơ sở thiên về quản lý lại xây dựng trên nền tảng quản trị kinh doanh. Dưới đây là danh sách một số trường có các chương trình đào tạo liên quan đến Kỹ thuật công nghiệp:
1. Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM (Khoa Cơ khí-Chế tạo máy): Kỹ thuật công nghiệp (Industrial Engineering)
2. Đại học Bách khoa TPHCM (Khoa Cơ khí): Kỹ thuật hệ thống công nghiệp (Industrial Systems Engineering)
3. Đại học quốc tế (TPHCM) (Khoa Kỹ thuật và Quản lý công nghiệp): Kỹ thuật hệ thống công nghiệp (Industrial Systems Engineering)
4. Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM) (Khoa Cơ khí/Điện/Điện tử/Ô tô): Kỹ thuật hệ thống công nghiệp (Industrial Systems Engineering)
5. Đại học Bách khoa TPHCM (Khoa Quản lý công nghiệp): Quản lý công nghiệp
6. Đại học Bách khoa Hà Nội (Viện Kinh tế và Quản lý): Quản lý công nghiệp
7. Đại học Cần Thơ (Khoa Công nghệ): Quản lý công nghiệp (Industrial Management)
8. Đại học điện lực (Hà Nội) (Khoa Quản lý công nghiệp và năng lượng): Quản lý công nghiệp
9. Đại học công nghệ dệt-may Hà Nội: Quản lý công nghiệp
Chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất công nghiệp ở Viện Cơ khí
Với nền tảng kỹ thuật cơ khí có sẵn, Kỹ thuật sản xuất công nghiệp (Industrial Manufacturing Engineering) được Viện Cơ khí xây dựng nhằm định hướng các hệ thống sản xuất trong lĩnh vực cơ khí. Ngoài kiến thức nền tảng về sản xuất cơ khí, chương trình còn trang bị cho người học những kiến thức về phân tích, xử lý dữ liệu thống kê (statistics), lập kế hoạch sản xuất (production planning), kinh tế kỹ thuật (engineering economics), quản lý chất lượng (quality control) và mô phỏng hệ thống (system simulation). Ngoài các môn học thuộc khối giáo dục đại cương, chương trình cung cấp cho sinh viên kiến thức ngành gồm các gói sau:
1. Các kiến thức cơ bản ngành kỹ thuật cơ khí:
- Cơ học ứng dụng (tĩnh học, động học, động lực học, sức bền vật liệu);
- Vật liệu học;
- Thiết kế máy (nguyên lý máy, cơ sở thiết kế);
- Kỹ thuật gia công và công nghệ chế tạo;
- Thủy khí kỹ thuật;
- Kỹ thuật điện;
- Kỹ thuật điều khiển;
- Công nghệ CAD/CAM/CNC.
2. Các kiến thức chuyên ngành Kỹ thuật công nghiệp:
- Thiết kế sản phẩm (Product Design);
- Kế hoạch và quản trị sản xuất (Production Planning and Management);
- Thiết kế tối ưu hóa mặt bằng và thiết bị (Facilities Planning and Layout Design);
- Quản trị dự án công nghiệp (Industrial Project Management);
- Quản trị chất lượng (Quality Control and Management);
- Kinh tế công nghiệp (Engineering Ecomomics).
Vị trí việc làm và cơ hội nghề nghiệp
Kỹ thuật sản xuất công nghiệp thiết kế và vận hành các hệ thống sản xuất tích hợp hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá thành cạnh tranh. Hệ thống có thể là mạng máy tính, rô bốt, máy móc thiết bị, hay hệ thống chế biến, chế tạo. Một số ví dụ như:
- Thiết kế tự động hóa một hệ thống thiết bị trong nhà máy hóa chất sử dụng hệ thống điều khiển tích hợp máy tính;
- Thiết kế quá trình sản xuất các bảng mạch điện tử nhằm tối ưu hóa chi phí và đảm bảo chất lượng;
- Phát triển và thực hiện các quá trình sản xuất các thiết bị vi xử lý hay công nghệ nano;
- Phân tích và thiết kế tối ưu hóa mặt bằng và thiết bị trong nhà máy sản xuất máy bay.
Sinh viên tốt nghiệp chương trình có thể đảm nhiệm vị trí kỹ sư quản lý sản xuất; kỹ sư sản xuất; kỹ sư chất lượng; kỹ sư bảo dưỡng; giám sát an toàn tại các nhà máy trong lĩnh vực cơ khí; các nhà máy lắp ráp và sản xuất; tại các doanh nghiệp liên doanh về lĩnh vực chế tạo máy; thiết bị; ô tô. Ngoài ra, sinh viên được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để có thể tham gia chuỗi lao động cung ứng toàn cầu cho các tập đoàn lớn như Apple; SamSung, LG.
Chương trình Kỹ thuật sản xuất công nghiệp đặc biệt phù hợp với các vị trí việc làm thuộc khối doanh nghiệp nước ngoài (doanh nghiệp FDI), vì các doanh nghiệp này có tổ chức chặt chẽ, được quản lý vận hành bài bản và luôn hướng tới sự tối ưu bằng tuân thủ chặt chẽ quy trình vận hành, cải tiến liên tục bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại trên nền tảng số hóa. Ví dụ tiêu biểu là các nhà máy thuộc tập đoàn LG hay các công ty chế tạo Nhật Bản.
Mặc dù Kỹ thuật công nghiệp có lịch sử phát triển lâu đời trên thể giới, nhưng ở Việt Nam, ngành này mới du nhập trong khoảng một thấp kỷ gần đây, cùng với sự du nhập của nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tại, ở Việt Nam chỉ có một số rất ít cơ sở đào tạo ở phía Nam có chương trình đào tạo Kỹ thuật công nghiệp như Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Đại học quốc tế (TPHCM). Một số trường khác có chương trình đào tạo thiên về quản lý sản xuất như các trường Đại học Bách khoa Hà Nội (chương trình quốc tế), Đại học điện lực, Đại học Cần Thơ. Như vậy, nguồn nhân lực kỹ thuật công nghiệp là cực kỳ thiếu hụt.
Ở Hải Phòng, các công ty như LG Electronics, LG Display, LG Innotek, Bridgestone Hải Phòng, Kyocera, Fuji Xerox thường xuyên tuyển dụng các vị trí kỹ thuật viên sản xuất, chất lượng, phát triển sản phẩm - đây là các vị trí việc làm thuộc ngành Kỹ thuật sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, do chưa có chương trình đào tạo ngành này, nên các vị trí này đều là tuyển dụng trái ngành từ sinh viên các ngành thiết kế chế tạo, cơ điện tử, điện tự động, công nghệ thông tin.
Nắm bắt xu hướng này, Viện Cơ khí xây dựng chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất công nghiệp để phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực cho các vị trí việc làm tổ chức vận hành các dây chuyền, quá trình sản xuất, đặc biệt hướng tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Viện Cơ khí, Đại học Hàng hải Việt Nam cũng là đơn vị đầu tiên ở phía Bắc thực hiện đào tạo Kỹ thuật sản xuất công nghiệp.